Tình đồng nghiệp và những kí ức khó quên

Bài viết của Cô Trần Thị Thiên Hương
Nguyên là giáo viên Khoa KHCB (đã nghỉ hưu)

Tôi là giảng viên giảng dạy môn Vật lý Đại cương ở Bộ môn Vật lý, khoa Khoa học Cơ bản, bây giờ là khoa Khoa học Ứng dụng, trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM từ năm 1978 đến 2009. Tôi đã từng viết giáo án, các tài liệu giảng dạy nhưng chưa bao giờ viết văn.  Nhân dịp kỷ niệm 55 ngày thành lập trường, tôi muốn ghi lại đây những cảm xúc của tôi về tình đồng nghiệp và những ký ức khó quên trong những năm tháng làm việc tại Bộ môn Vật lý.

Mùa hè năm 1978, tôi tốt nghiệp ngành Điện tử Viễn thông trường Đại học Khoa học. Tháng 11 năm ấy, tôi được trường phân công về giảng dạy tại Bộ môn Vật lý, Ban Khoa học Cơ bản, trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM. Thời điểm đó, các giảng viên trong Bộ môn Vật lý gồm có thầy Trần Hữu Lịch (Trưởng Bộ môn), cô Huỳnh thị Lành, thầy Trương Quốc Dũng. Cô Phạm Kim Tuyền cũng là giảng viên  Bộ môn Vật lý từ năm 1976, đã thi đậu nghiên cứu sinh và đang học ngoại ngữ ở Hà Nội để chuẩn bị đi du học ở Bungary. Các thầy cô vừa giảng lý thuyết vừa dạy thực hành. Lúc mới về Bộ môn, tôi được giao quản lý kho thiết bị, dụng cụ thí nghiệm của phòng thí nghiệm Vật lý, triển khai thêm 7 bài thí nghiệm Vật lý và chuẩn bị giáo án để dạy lý thuyết cho năm học sau. Các thiết bị, dụng cụ thí nghiệm trong kho chỉ phù hợp cho những thí nghiệm Vật lý ở bậc Trung học phổ thông, trong đó các thí nghiệm minh họa chiếm một tỉ lệ không nhỏ. Ngoài 8 bộ thí nghiệm có sẵn đang dùng, phần lớn các thiết bị, dụng cụ còn lại trong kho chưa được xếp theo từng bộ thí nghiệm. Hơn nữa, các tài liệu hướng dẫn đi kèm với các thiết bị cũng không còn. Do đó, việc triển khai thêm 7 bài thí nghiệm là một công việc không dễ làm. 

Việc đầu tiên là tôi phân loại các thiết bị, sắp xếp lại kho cho ngăn nắp, vệ sinh kho và phòng thí nghiệm (các thầy cô phải tự làm vệ sinh nơi làm việc và phòng thí nhiệm), cuối cùng triển khai 7 bài thí nghiệm. Hầu hết các thiết bị, dụng cụ thí nghiệm trong kho đều do Mỹ tài trợ từ trước khi miền nam được giải phóng. Thời điểm đó, những thiết bị, dụng cụ, vật tư cần thiết cho phòng thí nghiệm chỉ có thể yêu cầu phòng Thiết bị Vật tư của nhà trường cấp, không thể mua ở đâu được mà phòng này lúc ấy nghèo nàn lắm. Tôi phải tận dụng những gì có trong kho, ví dụ như dùng những bảng gỗ để làm bảng mạch điện, nhờ xưởng gỗ soi lỗ, tận dụng những ốc vít dự trữ trong các thiết bị của các thí nghiệm khác, dùng những miếng đồng có sẵn hàn lại để kết nối và làm thành những bài thí nghiệm mới. Một bạn học cùng lớp ở ĐHKH (lúc ấy chưa được trường phân công) đã nhiệt tình giúp tôi bằng cách gởi tặng tôi những điện trở, tụ điện, v.v … có lẽ được tháo ra từ các mạch điện cũ. Cám ơn bạn vì sự giúp đỡ chân tình mà tôi luôn nhớ mãi.

Đến đầu năm học 1979-1980, bộ môn đã có 15 bài thí nghiệm Vật lý Đại cương. Cũng năm học ấy, bộ môn tiếp nhận 2 nhân sự mới. Đó là Thầy Chí Thành (sau vài năm làm việc, được đi du học ở Pháp rồi ở lại Pháp làm việc) và thầy Hoài Sơn (sau 7 năm giảng dạy ở bộ môn, thầy Sơn chuyển sang giảng dạy cho Khoa Kỹ thuật Cơ sở, sau này là Khoa Xây dựng và thầy Sơn là Trưởng khoa).

Để có thể đọc được sách tiếng Nga ở thư viện, có 3 thầy cô trong bộ môn là thầy Quốc Dũng, thầy Chí Thành và tôi đăng ký học lớp chuyên tu tiếng Nga buổi tối do trường Đại Học Sư Phạm TP HCM tổ chức giảng dạy tại cơ sở 2 (trường Đại học Vạn Hạnh cũ). Cô Ngọc Đào (giảng viên Bộ môn Chế tạo máy, Khoa Cơ khí) cũng đăng ký học cùng lớp với chúng tôi. Thời điểm đó, sinh viên học theo hệ niên chế, còn các giảng viên phải làm việc tại Bộ môn 8 tiếng mỗi ngày, 6 ngày mỗi tuần. Mỗi buổi sáng, xe trường đưa cán bộ từ Saigon đến trường làm việc lúc 7g. Mỗi buổi chiều, đúng 16g30, xe trường đưa cán bộ về lại Saigon. Nhờ vậy, các thầy cô thuộc các Khoa khác nhau có thể gặp nhau mỗi ngày trên xe. Những hôm học thêm tiếng Nga buổi tối, tôi không về nhà ngay mà xuống xe dọc đường để đi học. Các đồng nghiệp khác về nhà ăn uống rồi đạp xe đến trường. Các bạn thường đến sớm và thường mang cho tôi có khi là những múi mít, vài nắm đậu phộng, ….. để tôi ăn tạm vì còn phải học đến 21g. Và một bạn trong nhóm, do thuận đường đi lại nhất, đã chở tôi về nhà sau mỗi buổi học. Tôi cảm nhận ở các bạn một tình đồng nghiệp chân thành, đáng trân trọng. Tôi luôn nhớ đến các bạn và cảm ơn các bạn.

Quản lý phòng thí nghiệm được 2 năm, tôi bàn giao việc quản lý phòng thí nghiệm cho cô Bích Thủy mới về làm việc, theo yêu cầu của Trưởng bộ môn. Do phải làm việc 8 tiếng ở trường, các đồng nghiệp nữ thường mang cơm theo cho buổi ăn trưa. Tôi nhớ mãi những buổi ăn trưa vui vẻ cùng các chị em ở phòng thí nghiệm. Ngoài các chị em trong bộ môn Lý như cô Tuyền, cô Lành, cô Tây Hà, cô Năng Trang, cô Bích Thủy và tôi, được cô Tuyền gọi là “những nhân khẩu thường trú”, còn có các chị em ở các Bộ môn khác như Bộ môn Hóa có Cô Ninh, cô Minh Thủy; Bộ môn Chế tạo máy có cô Ngọc Đào; Bộ môn Sư phạm Kỹ thuật có cô Thảo, cô Lan, cô Hiền mà cô Tuyền gọi là “các nhân khẩu tạm trú”. Các chị em góp thức ăn lại, cùng ăn chung với nhau, trò chuyện rôm rả, vui vẻ. Khi nhà trường mở thêm các lớp đào tạo không chính quy, đào tạo tại chức tại trường và liên kết đào tạo tại các tỉnh, các thầy cô có nhiều giờ giảng hơn, thu nhập cao hơn nhưng ít có dịp gặp nhau vào những buổi cơm trưa như trước nữa. 

Cô Tuyền là Trưởng Bộ môn Vật lý lâu năm nhất. Trong khoảng giữa thập niên 80 đến đầu thập niên 90, cô tuyển thêm 2 nhân sự mới cho Bộ môn là thầy Võ Thanh Tân và thầy Huỳnh Quang Chiến. Khi cô Tuyền nhận cô Minh Hà về Bộ môn để chỉ dạy thí nghiệm Lý thì việc quản lý kho được giao lại cho cô Minh Hà. Cô Hiếu Nhơn là giảng viên dạy Vật lý lâu năm ở ĐHBK Hà Nội cũng được cô Tuyền nhận về Bộ môn. Cô Tuyền như người chị cả trong gia đình vì cô luôn quan tâm đến các thành viên trong Bộ môn. Đối với tôi, cô Tuyền, cô Tây Hà, cô Hiếu Nhơn không những là những đồng nghiệp mà còn là những người chị thân thiết, dễ mến. Tình đồng nghiệp cũng chính là tình người. Sự quan tâm giữa các đồng nghiệp dù là nhỏ nhoi cũng làm ấm lòng người. 

Đến năm 1995, Bộ môn Vật lý được chuyển sang trường Đại học Đại cương thuộc Đại học Quốc gia TP HCM. Các thiết bị, dụng cụ thí nghiệm cũng được chuyển sang ĐHĐC Lúc ấy, tôi đang học Thạc sĩ Science Education ở Canada được 1 năm. Hai năm sau, 1997, tôi về giảng dạy tại ĐHĐC. Cô Tuyền là Trưởng Ban Vật lý (quản lý các cán bộ giảng dạy môn Vật lý Đại cương của các trường thành viên của ĐHQG) cho đến khi về hưu. Các giảng viên của Bộ môn Vật lý chuyển sang Đại học Đại cương vẫn dạy cả lý thuyết và thí nghiệm Vật lý cho các sinh viên năm thứ nhất và thứ hai của các trường thành viên ĐHQG như ĐHSPKT, ĐHKHTN, ĐHBK, ĐHNL do sinh viên các trường này cũng được chuyển sang ĐHĐC để học 2 năm đầu. Một số giảng viên của Ban Vậy lý ĐHĐC được ĐHSPKT mời dạy thỉnh giảng cho các lớp không chính quy tại trường. Trong thời gian này, cô Ngọc Hà là giảng viên dạy Vật lý cho trung tâm Việt Đức, được chuyển sang dạy thí nghiệm Vật lý cho các lớp này và quản lý 2 phòng thí nghiệm Vật lý. Đây là 2 phòng thí nghiệm mới do trường đầu tư cho việc giảng dạy các lớp không chính quy. Cô Tây Hà (đã về hưu) được mời dạy thỉnh giảng cho các lớp này và cả các lớp ở ĐHĐC.

Tôi còn nhớ năm 1996, tôi về trường ĐHĐC để dạy thử nghiệm và lấy số liệu cho luận án tốt nghiệp. Lúc ấy, trường vừa mua sắm các trang thiết bị để xây dựng thêm vài phòng thí nghiệm Vật lý mới. Tôi may mắn được tham dự cùng Bộ môn buổi nói chuyện của một chuyên gia người Đức, đại diện công ty cung cấp trang thiết bị thí nghiệm Lý về cách quản lý và sử dụng có hiệu quả các thiết bị để tránh lãng phí, cách tổ chức và quản lý phòng thí nghiệm nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc dạy và học thí nghiệm Vật lý.

Năm 1998, cô Tuyền thuyết phục tôi giúp cho Ban Vật lý quản lý phòng thí nghiệm Vật lý. Lúc bấy giờ, tôi đang dạy rất nhiều lớp, vừa dạy cho trường, vừa dạy thỉnh giảng cho ĐHSPKT, ĐH Lạc Hồng và dạy luyện thi đại học buổi tối tại ĐHSPKT. Hơn nữa, khi nhìn vào phòng kho, tôi cảm thấy choáng vì thiếu nhiều tủ đựng thiết bị, dụng cụ nên hầu hết các thiết bị, dụng cụ để ngổn ngang trong kho. Do kính nể cô Tuyền và cũng để giúp cô chỉnh đốn lại phòng thí nghiệm, tôi đã nhận lời dù biết rằng sẽ vất vả lắm đây. Cô Tuyền cũng giúp tôi trong việc đề nghị trường đóng thêm các tủ, kệ chứa thiết bị, dụng cụ thí nghiệm và sắp xếp lại kho để có một nơi làm việc và nghỉ trưa khang trang, ngăn nắp, sạch sẽ cho các thầy cô dạy thí nghiệm. Ngoài ra, tôi còn phải đọc và hiệu chỉnh các bài thí nghiệm Vật lý đã được phân công cho các thầy cô viết đối với các bài thí nghiệm mới. Quan hệ đồng nghiệp tốt sẽ thúc đẩy công việc tiến triển tốt.

Đầu năm 2001, ĐHSPKT được tách ra khỏi ĐHQG, tôi trở về ĐHSPKT với trách nhiệm trưởng Bộ môn Vật lý. Các thiết bị, dụng cụ thí nghiệm của trường ĐHSPKT chuyển sang ĐHĐC trước đây lại được chuyển trở về ĐHSPKT, cỏn các trang thiết bị mới do trưởng ĐHĐC mua sắm được giao lại cho ĐHKHTN. Các thầy cô lại một phen vất vả, gian nan. Để có đủ phòng thí nghiệm cho số SV trở về từ ĐHĐC, trường ĐHSPKT phải xây dựng thêm 2 phòng thí nghiệm Vật lý mới ở khu A. Kể cả 2 phòng thí nghiệm cũ trước đây do cô Ngọc Hà quản lý thì có 4 phòng thí nghiệm Vật lý ở khu A. Khi dãy nhà D được xây dựng xong, nhà trường yêu cầu chuyển 4 phòng thí nghiệm Lý ở tầng 2 khu A lên tầng 4 khu D. Lần này, ngoài cô Ngọc Hà và Minh Hà, còn có nhiều thầy cô trẻ mới về Bộ môn góp sức như thầy Sơn Hải, thầy Hưng, thầy Thiện Huân, thầy Ngọc Sơn, cô Huỳnh Như. Và rồi Bộ môn Vật lý đã có 4 phòng thí nghiệm Vật lý và 2 phòng kho khang trang, sạch sẽ, ngăn nắp. Đó là nhờ công sức của các thầy cô trong Bộ môn. Thầy Hưng, tuy chỉ là giáo viên thỉnh giảng nhưng cũng đã nhiệt tình góp sức cùng với các thầy cô khác trong công việc của phòng thí nghiệm. Sự nghiêm túc trong công việc, sự trung thực, thẳng thắn là những ấn tượng còn lưu lại trong ký ức của tôi về thầy Hưng. Cô Vân Thanh và thầy Hoàng Trung được tuyển dụng sau này và cũng đã có những đóng góp tích cực cho phòng thí nghiệm. Tôi cũng cám ơn thầy Chiến đã góp sức cùng Bộ môn để viết các tài liệu giảng dạy lý thuyết và làm những đề thi rất hay giúp đánh giá trình độ sinh viên chính xác hơn. Dưới đôi mắt “cận” của tôi, các giảng viên trẻ đều rất dễ thương. Tôi làm trưởng Bộ môn Vật lý được 4 năm thì xin thôi, không làm tiếp nữa vì lý do sức khỏe.

Sau khi cô Tuyền về hưu, thỉnh thoảng vào ngày nhà giáo, cô thường mời “các nhân khẩu thường trú, tạm trú” và mời thêm các thầy cô thân thiết trong khoa như thầy Lộc (Bộ môn Toán), cô Minh, cô Yến (Bộ môn Hóa), tập hợp ở nhà cô để ăn mừng ngày nhà giáo. Đây là dịp để các đồng nghiệp thân thiết gặp lại nhau trong không khí vui vẻ, đầm ấm, hỏi thăm nhau về sức khỏe và gia đình, nói chuyện và chia sẻ với nhau.

Tôi nhớ gì, nghĩ gì thì viết như vậy. Nếu có gì nhầm lẫn, mong các đồng nghiệp thông cảm cho bà lão U 70 này.  Trước khi kết thúc bài viết này, tôi có đôi lời nhắn nhủ các đồng nghiệp trẻ. Trong bất kỳ một tập thể, một tổ chức nào, ngay cả trong mỗi gia đình đôi khi cũng xảy ra những mâu thuẫn giữa các cá nhân, có thể do khác biệt về cá tính, hay do bất đồng quan điểm về một vấn đề nào đó. Không nên để những bất đồng quan điểm cá nhân biến thành những đố kỵ bằng cách hạn chế những cảm xúc cá nhân khi giải quyết công việc. Mỗi người cần có cách ứng xử khéo léo để giữ mối quan hệ tốt đẹp giữa các đồng nghiệp. Điều này giúp cho mỗi cá nhân và cả nhóm làm việc hiệu quả hơn, giúp cho Bộ môn và Khoa không ngừng phát triển. Tôi rất tâm đắc với câu nói này: “Cuộc sống sẽ có ý nghĩa nếu ta biết tha thứ, yêu thương và chia sẻ”.