Các lệnh trên Matlab có thể được thực thi thông qua nhiều cách: gõ lệnh trực tiếp trên Command Window, tập hợp các lệnh trong một Script, gói các lệnh lại vào một Function. Trong khoá học này, chúng tôi đề nghị sử dụng phong cách gói lệnh trong Function.

Để tạo ra một function, ta vào New – Function. Trong cửa sổ Editor sẽ hiện ra một file.m có dạng như sau:

function vidu1

end

Ta cần đặt tên cho Function như dòng 1, sau đó lưu file với tên trùng với tên Function!. Giả sử ta tạo một Function có dạng sau:

function vidu1
t = [0 1 2 3 4 5];
x = t.^2;
end

Từ đây ta cho chương trình chạy qua biểu tượng Run hoặc F5. Ta sẽ thấy trong Workspace của Matlab đã hình thành nên các biến \(t\) và \(x\). Nếu các dòng 5 và 6 không đặt dấu chấm phẩy, khi chạy chương trình ngoài Command Window sẽ hiện ra kết quả:

\[t=0\quad 1\quad 2\quad 3\quad 4\quad 5\]

\[x=0\quad 1\quad 4\quad 9\quad 16\quad 25\]

Một chương trình Matlab tổ chức theo phong cách Vật lý mô phỏng có cấu trúc dạng như sau:

function ten_chuong_trinh
% Author: Tên người viết chương trình
% Create: 2017.10.18

clc
clear all
close all

%% INPUT DATA

%% FIGURE
figure('name','ten do thi','color','white','numbertitle','off');
plot(bien_so_doc_lap_1,bien_so_phu_thuoc_1,'linewidth',2); % Vẽ hàm thứ nhất
hold on
plot(bien_so_doc_lap_2,bien_so_phu_thuoc_2,'linewidth',2); % Vẽ hàm thứ hai

legend('Chú thích hàm 1','Chú thích hàm 2');
xlabel('Tên gọi trục hoành');
ylabel('Tên gọi trục tung');

%% CALCULATION

end

function chuong_trinh_con_1
% Code
end

function chuong_trinh_con_2
% Code
end

Cặp function-end đầu tiên tạo nên chương trình chính, còn tất cả các cặp function-end theo sau đều là chương trình con. Ta cần hiểu ý nghĩa một vài lệnh cần thiết:
clc: clear Command Window, làm sạch bảng thông báo Command Window
clear all: xoá sạch dữ liệu tính toán cũ
close all: đóng tất cả các cửa sổ trong các tính toán cũ
– figure(‘name’,’ten do thi’,’color’,’white’,’numbertitle’,’off’): tạo khung đồ thị nền trắng với tên gọi tự đặt, không đánh số.

Phong cách trình bày theo Function này rất thuận tiện khi làm việc với những hàm con, bởi vì tất cả các hàm con ta tự viết đều có thể bố trí ngay sau chương trình chính chứ không nằm ở file riêng như cách lập trình Script.