Tại sao phải học nhiều môn như thế, em thấy học toán không hữu ích. Đó là dạng câu hỏi không hiếm gặp ở người học. Nếu là học sinh, các em chưa đến mức có thể đặt câu hỏi lớn vậy. Nhưng sinh viên đại học rất dễ hoài nghi về tính thực dụng của học phần.
Quá trình lạc hậu của chương trình học luôn diễn ra theo nhịp sống lao động. Những người xây dựng chương trình luôn tìm cách đổi mới và thích nghi. Điều này cũng như sự thích nghi trong tiến hóa sinh vật. Bản thân tôi thích dùng từ “thích nghi” hơn tiến hóa, bởi có nhiều sự thay đổi không dễ đánh giá là tiến hay thoái, chỉ đơn giản là sự phù hợp với điều kiện mới.
Sự thích nghi có tính chất thời cuộc, ngắn hạn, dựa trên các nền tảng cơ bản ít thay đổi hơn. Hãy nghĩ xem từ hàng triệu năm trước, biết bao nhiêu chuyển hóa đã diễn ra trong sinh giới, nhưng cấu trúc ADN vẫn không đổi, vẫn là chuỗi xoắn kép từ các nucleotide C-G-A-T, đơn giản mà lưu trữ mọi thông tin di truyền. Trường học đã tồn tại từ bao đời, cũ kĩ nhưng có vai trò to lớn trong việc giữ gìn di sản tri thức cho xã hội, cũng các môn toán, lý, hóa, sinh, văn, sử, địa… hoặc theo cách gọi nào đó khác.
Cuốn sách ADN được mỗi tế bào học tập, sao y nguyên bản qua mỗi thế hệ. Cực đoan đến mức tế bào gan cũng chứa ADN giống hệt như tế bào da vậy. Phải chăng các tế bào ở những mô khác nhau đã “học tập” quá nhiều? Tại sao tế bào gan không copy mỗi chương “gan”, còn tế bào da chỉ mang theo mình mỗi chương “da”. Thực ra mọi tế bào dùng chung ADN như vậy là tiết kiệm. Việc sản xuất bao giờ cũng cần ít chủng loại mà số lượng nhiều. Hàng trăm nghìn loại tế bào phong phú đều tốt nghiệp từ mái trường tế bào gốc và mang theo cuốn sách ADN theo suốt hành trình cuộc đời. Tế bào da sẽ lật đến chương “da” để tìm cách sản xuất sắc tố. Tế bào gan sẽ lật đến chương “gan” để điều chế một số loại enzym giúp tạo mật và trợ tiêu hóa. Và có lẽ gan cũng sẽ cần đọc qua những chương khác về dạ dày và máu.
Ít ai làm một nghề trong suốt cuộc đời. Một cách bình quân, mỗi người sẽ thay đổi công việc của mình sau khoảng 4-5 năm. Thường mỗi công việc yêu cầu khối lượng kiến thức chừng mực, không yêu cầu đến mức uyên bác tầm vũ trụ. Nếu mỗi việc “5 năm” như thế cần kiến thức tầm chương sách, thì cuốn sách cuộc đời cần dày hơn thế rất nhiều. Kỹ sư cơ khí cần đọc chương “cơ khí”. Kỹ sư điện tử cần đọc chương “điện tử”. Nhưng rất có thể đến một ngày, cả hai sẽ đọc chung chương “tự động hóa” và có tham khảo thêm chương “điện tử công suất” hay “điện công nghiệp”. Và cũng có thể đến một lúc, các kỹ sư muốn đọc lại chương “toán cao cấp” từng học từ thuở đại cương tế bào gốc.
Chủng bò sát có khả năng nhìn màu sắc tốt. Hậu duệ của khủng long săn mồi đã tiến hóa thành các loài chim, phát triển thị giác đến mức cao. Ba loại tế bào hình nón trong võng mạc giúp chúng phân biệt màu sắc cực tốt. Trong bối cảnh khác, xuất phát từ bò sát răng thú, nhưng tổ tiên các loài có vú đã từng sống chui lủi để tránh cạnh tranh với khủng long trên mặt đất. Chúng chỉ sống dưới hang và bò lên mặt đất vào ban đêm, làm khả năng phân biệt màu sắc bị dư thừa. Đến ngày nay hầu hết các động vật có vú chỉ nhìn thế giới qua màu sắc khá mờ nhạt, nhưng vẫn có màu chứ không hoàn toàn đen trắng như ta tưởng. Hóa ra tế bào hình nón chỉ bị hạn chế hoạt động chứ không hoàn toàn biến mất. Thông tin về tế bào nón vẫn duy trì trong ADN và ít khi được mở.
Sự xuất hiện của linh trưởng, trong đó có con người, đã làm tế bào hình nón sinh sôi nhiều trở lại, do nhu cầu phân biệt màu trái cây chín. May mắn rằng tổ tiên các loài có vú không xé mất những trang ADN về cách phân biệt màu sắc cho võng mạc. Linh trưởng đã tìm thấy bài học cũ quý giá tưởng chừng không bao giờ dùng đến nữa.