Đại lượng có giá trị xác định đồng thời
Nguyên lý chung của phép đo
Khi tiến hành đo một đại lượng vật lý nào đó, ta cần sử dụng đúng loại máy đo thích hợp. Muốn đo xung lượng cần máy phân tích phổ nhiễu xạ. Muốn đo năng lượng cần quang phổ kế. Với phép đo một đại lượng cụ thể, như xung lượng chẳng hạn, máy đo sẽ phân tích hàm sóng \(\psi(x,t)\) ra thành tổng hợp nhiều sóng de-Broglie:
\[\psi(x,t)=\sum_n{C_n\psi_{p_n}(x,t).}\label{eq:1}\tag{1}\]
Sóng \(\psi_{p_1}(x,t)\) có xung lượng \(p_1\), sóng \(\psi_{p_2}(x,t)\) có xung lượng \(p_2\), \(\ldots\) sóng \(\psi_{p_n}(x,t)\) có xung lượng \(p_n\). Mỗi sóng thành phần de-Broglie trong tổng \eqref{eq:1} có xung lượng hoàn toàn khác nhau. Vì thế trạng thái \(\psi(x,t)\) tổng thể lại không có giá trị xung lượng xác định. Xung lượng của hạt chỉ có thể nói ở khái niệm trung bình:
\[\langle p\rangle=\sum_n{|C_n|^2p_n}.\]
Tình huống tương tự xảy ra khi làm phép đo năng lượng, máy đo sẽ phân tích sóng \(\psi(x,t)\) không theo bộ de-Broglie như trên, mà theo các trạng thái dừng:
\[\psi(x,t)=\sum_n{C_n\psi_{E_n}(x,t).}\label{eq:2}\tag{2}\]
Sóng \(\psi_{E_1}(x,t)\) có năng lượng \(E_1\), sóng \(\psi_{E_2}(x,t)\) có năng lượng \(E_2\), \(\ldots\) sóng \(\psi_{E_n}(x,t)\) có năng lượng \(E_n\). Mỗi sóng dừng trong tổng \eqref{eq:2} có năng lượng hoàn toàn khác nhau. Ta nói rằng trạng thái \(\psi(x,t)\) không có giá trị năng lượng xác định. Năng lượng của hạt chỉ có thể nói ở khái niệm trung bình:
\[\langle E\rangle=\sum_n{|C_n|^2E_n}.\]
Nguyên lý bất định
Khái niệm về sự xác định của một đại lượng vật lý nghe có vẻ rất khác với cơ học cổ điển. Trong cơ học cổ điển, mọi đại lượng vật lý đều có giá trị xác định của nó. Nhưng với cơ học lượng tử, khi năng lượng xác định thì sóng phải là tổ hợp của nhiều de-Broglie với xung lượng khác nhau.
Nếu trạng thái của hạt trùng với một trong số những sóng de-Broglie:
\[\psi(x,t)=\psi_{p_n}(x,t),\]
hạt sẽ có xung lượng hoàn toàn xác định, đúng bằng \(p_n\). Nếu trạng thái của hạt trùng với một trong số những trạng thái dừng:
\[\psi(x,t)=\psi_{E_n}(x,t),\]
hạt sẽ có năng lượng hoàn toàn xác định, đúng bằng \(E_n\).
Nhìn chung \(\psi_{p_n}(x,t)\) và \(\psi_{E_n}(x,t)\) là hai hàm sóng khác nhau. Hàm sóng de-Broglie \(\psi_{p_n}(x,t)\) có dạng sin, còn hàm trạng thái dừng \(\psi_{E_n}(x,t)\) lại có hình dạng đặc biệt, tuỳ vào hố thế. Do vậy nhìn chung, xung lượng và năng lượng của một hạt không thể có giá trị xác định đồng thời.
Hàm riêng và giá trị riêng
Nếu cho toán tử xung lượng tác dụng lên sóng de-Broglie:
\[-i\hbar\frac{\partial}{\partial x}e^{i\left(\frac{p}{\hbar}x-\frac{E}{\hbar}t\right)}=pe^{i\left(\frac{p}{\hbar}x-\frac{E}{\hbar}t\right)}.\]
Hay viết gọn:
\[\hat{p}\psi_p(x,t)=p\psi_p(x,t).\]
Điều trên có nghĩa: tác dụng của toán tử xung lượng \(\hat{p}\) lên hàm sóng de-Broglie bằng chính xung lượng \(p\) nhân với hàm sóng de-Broglie. Chỉ có sóng de-Broglie mới thoả mãn tính chất như trên, nên ta gọi hàm sóng de-Broglie là hàm riêng của toán tử xung lượng, còn \(p\) được gọi là giá trị riêng của toán tử xung lượng.
Nếu cho toán tử Hamilton tác dụng lên sóng dừng \(\psi_E(x,t)\) của trạng thái dừng, theo phương trình dừng Schrodinger ta có:
\[\left[-\frac{\hbar^2}{2m}\frac{\partial^2}{\partial x^2}+U(x)\right]\psi_E(x,t)=E\psi_E(x,t).\]
Hay viết gọn:
\[\hat{H}\psi_E(x,t)=E\psi_E(x,t).\]
Điều trên có nghĩa: tác dụng của toán tử năng lượng \(\hat{H}\) lên sóng dừng bằng chính năng lượng \(E\) nhân với hàm sóng trạng thái dừng. Chỉ có sóng dừng \(\psi_E(x,t)\) mới thoả mãn tính chất như trên, nên ta gọi sóng dừng \(\psi_E(x,t)\) là hàm riêng của toán tử năng lượng, còn \(E\) được gọi là giá trị riêng của toán tử năng lượng.
Nhìn chung, một đại lượng vật lý \(L\) nào đó có giá trị xác định chỉ khi hạt có trạng thái \(\psi(x,t)=\psi_L(x,t)\) thoả mãn phương trình:
\[\hat{L}\psi_L(x,t)=L\psi_L(x,t),\]
trong đó \(\hat{L}\) – toán tử tương ứng với đại lượng \(L\), \(\psi_L(x,t)\) – hàm riêng của toán tử \(\hat{L}\), còn \(L\) – giá trị riêng của toán tử \(\hat{L}\).
Đại lượng có giá trị xác định đồng thời
Từ trên ta thấy, hai đại lượng vật lý có giá trị xác định đồng thời khi và chỉ khi toán tử của chúng có chung một hàm riêng duy nhất. Cơ học lượng tử rất quan tâm đến những trạng thái dừng, bởi lẽ hàm sóng dừng \(\psi_E(x,t)\)không những là hàm riêng của toán tử năng lượng, mà còn là hàm riêng của toán tử moment động lượng. Nói cách khác, năng lượng và moment động lượng là những đại lượng có giá trị xác định đồng thời, và chúng xác định khi hạt nằm ở trạng thái dừng.
- Hàm sóng
- Sóng de Broglie
- Nguyên lý bất định Heisenberg
- Phương trình Schrodinger
- Sóng de-Broglie với rào thế bậc thang
- Bó sóng với rào thế bậc thang
- Sự hình thành trạng thái dừng nguyên tử
- Phương trình dừng Schrodinger
- Giải phương trình Schrodinger bằng phương pháp bắn tên
- Trạng thái dừng trong hố thế vuông
- Dao động tử điều hoà – Phần 1
- Dao động tử điều hoà – Phần 2
- Máy phân tích phổ nhiễu xạ – Toán tử động lượng
- Máy phân tích quang phổ – Toán tử năng lượng
- Đại lượng có giá trị xác định đồng thời
- Mô-men động lượng
- Nguyên tử hidro trong trường hợp đối xứng cầu
- Nguyên tử hidro trường hợp tổng quát
- Đề cương ôn tập Cơ học lượng tử & Vật lý nguyên tử