Giải thưởng vật lý danh giá cho nhà khoa học trẻ

Hội nghị Vật lý lý thuyết toàn quốc đang diễn ra tại Hà Nội vừa công bố Giải thưởng Nghiên cứu trẻ năm 2021. Nhà vật lý lý thuyết, tiến sĩ Trần Chiến Thắng đã được vinh danh trong sự kiện này. TS. Trần Chiến Thắng hiện đang công tác tại bộ môn Vật lý, khoa Khoa học ứng dụng, trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh.


Giải nghiên cứu trẻ năm 2021 của Hội VLLT được công bố trong phiên khai mạc.
TS Trần Chiến Thắng được mời báo cáo chuyên đề mở đầu hội nghị.

Giải thưởng nghiên cứu trẻ được trao thường niên, dành cho các nhà khoa học trẻ người Việt Nam đạt thành quả nghiên cứu nổi bật về vật lý lý thuyết, không phân biệt đang làm việc trong nước hay nước ngoài. Các ứng viên cần có những công trình trên các tạp chí chuyên ngành uy tín quốc tế bậc cao. Giải cũng có thể được trao cho những nghiên cứu thực nghiệm, thể hiện các đột phá mang tính nền tảng.

Những công trình mang lại giải thưởng cho TS. Trần Chiến Thắng tiêu biểu có:

  1. C. T. Tran, M. A. Ivanov, J. G. K¨orner, and P. Santorelli, “Implications of new physics in the decays Bc → (J/ψ, ηc)τν”, Physical Review D 97, 054014 (2018) (Tác giả chính và đồng thời là tác giả liên hệ, được trích dẫn 56 lần).
  2. N. R. Soni, M. A. Ivanov, J. G. K¨orner, J. N. Pandya, P. Santorelli, and C. T. Tran, “Semileptonic D(s)-meson decays in the light of recent data”, Physical Review D 98, 114031 (2018) (Tác giả liên hệ, được trích dẫn 22 lần).
  3. S. Groote, M. A. Ivanov, J. G. K¨orner, V. E. Lyubovitskij, P. Santorelli, and C. T. Tran, “Form-factor–independent test of lepton universality in semileptonic heavy meson and baryon decays”, Physical Review D 103, 093001 (2021) (đồng tác giả, vừa xuất bản ngày 11/05/2021).

\(\rightarrow\)Xem thêm tại Google Scholar

Các công trình trên đều được xuất bản trên tạp chí Physical Review D, là một trong những tạp chí uy tín nhất về lĩnh vực vật lý hạt cơ bản nói riêng và vật lý nói chung. Physical Review D xếp hạng Q1 trong hệ thống Scimago và Web of Science, với chỉ số H-index = 338, Impact Factor = 4.83, thuộc danh mục Nature Index.

TS Thắng (thứ ba dãy bên phải) và nhóm nghiên cứu tại Dubna - Liên bang Nga
TS Thắng (thứ ba dãy bên phải) và nhóm nghiên cứu tại Dubna – Liên bang Nga

TS. Trần Chiến Thắng sinh năm 1988 (33 tuổi), từng tốt nghiệp chuyên gia ngành Vật lý tại Đại học tổng hợp Tula – Liên bang Nga. Anh làm nghiên cứu sinh tiến sĩ chuyên ngành Vật lý lý thuyết tại Viện vật lý kỹ thuật Moscow. Trong thời gian đó, anh cũng thường có mặt tại Viện liên hiệp nghiên cứu hạt nhân Dubna (JINR) để nghiên cứu trong lĩnh vực vật lý hạt cơ bản. Trước khi chính thức về làm giảng viên cơ hữu tại Đại học Sư phạm Kỹ Thuật Tp. Hồ Chí Minh, anh có một năm làm nghiên cứu ở Đại học Duy Tân và hai năm sau tiến sĩ tại Đại học Napoli – Ý.

Trong số những công trình tiêu biểu, công trình (1) được triển khai trong thời gian TS. Thắng làm việc tại Viện liên hiệp nghiên cứu hạt nhân Dubna. Công trình (2) được triển khai khi TS. Thắng làm việc tại Đại học Duy Tân và xuất bản trong giai đoạn nghiên cứu sau tiến sĩ tại Ý. Công trình (3) TS. Thắng triển khai trong thời gian làm việc tại Ý, sau đó hoàn thiện và xuất bản khi đã trở về Việt Nam. Các bài báo này nằm trong dòng nghiên cứu liên quan đến việc tìm kiếm một “Mô hình vật lý mới”, thay thế cho “Mô hình chuẩn” – một lý thuyết đã trải qua rất nhiều thực nghiệm với độ chính xác cao. Mô hình chuẩn từng thể hiện khả năng tiên đoán mạnh mẽ những kết quả thực nghiệm mới. Tuy vậy nhóm của TS Thắng cho rằng, Mô hình chuẩn chỉ là trường hợp riêng – ở mức năng lượng thấp – của Mô hình vật lý mới.

TS. Thắng dự hội thảo tại Gatchina - Leningrad Oblast (gần St. Petersburg)
TS. Thắng dự hội thảo tại Gatchina – Leningrad Oblast (gần St. Petersburg)

Bên cạnh công trình khoa học tốt, ứng viên Giải thưởng nghiên cứu trẻ cần được đề cử từ các nhà khoa học uy tín. TS Thắng có đủ vinh dự ấy:

  • Thư đề cử của GS. Mikhail Ivanov, Phòng vật lý lý thuyết Bogoliubov – Viện nghiên cứu hạt nhân Dubna – LB Nga
  • Thư đề cử của GS. Pietro Colangelo, Viện nghiên cứu hạt nhân quốc gia Bari – Ý
  • Thư đề cử của GS. Pierre Darriulat, nguyên giám đốc nghiên cứu của CERN – Cơ quan nghiên cứu hạt nhân châu Âu, đang làm việc tại Trung tâm vũ trụ Việt Nam

Trong thời gian công tác ở Đại học Sư phạm Kỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh, TS Thắng đã cùng các đồng nghiệp trao đổi về vật lý hạt qua các seminar khoa Khoa học ứng dụng. Cách nói chuyện của anh khiến người nghe thấy được cảm thụ vật lý, và sự có mặt của hạt cơ bản như một món ăn ngon, đầy gia vị. Với anh, Sư phạm Kỹ thuật là một môi trường mới tràn đầy động lực và ý tưởng. Trong vai trò giảng viên, một người thầy, anh đưa đến những góc nhìn đặc biệt cho môn học vật lý.

Thầy Trần Chiến Thắng trên giờ Vật lý với sinh viên
Sắp xếp hạt cơ bản theo "Mô hình chuẩn"
Sắp xếp hạt cơ bản theo “Mô hình chuẩn”, mô hình mà nhóm của TS Thắng xem rằng chỉ là trường hợp riêng ở mức năng lượng thấp của mô hình “Vật lý mới” nhóm đang nghiên cứu

Vật lý hạt cơ bản luôn là lĩnh vực khó, không những về lý thuyết mà còn cơ sở thực nghiệm. Con đường TS. Thắng đang nắm bắt khiến anh trở thành một trong số rất ít người Việt Nam theo đuổi ngành hẹp này. Theo chia sẻ từ Hội vật lý lý thuyết, từ trước đến nay những người đạt Giải nghiên cứu trẻ đều trở thành trụ cột cho các cơ sở nghiên cứu – đào tạo, tiếp tục với con đường khám phá với nhiều thành tích khoa học.

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 04 tháng 10 năm 2021

2 thoughts on “Giải thưởng vật lý danh giá cho nhà khoa học trẻ”
  1. Chúc mừng bộ môn Vật lý, bộ môn toàn nhân tài về từ nước ngoài về. Quá đỉnh.

Comments are closed.