Chụp ảnh sao đêm giúp ngắm bầu trời tốt hơn mắt thường rất nhiều, bởi hai lý do: độ phân giải và thời gian tụ sáng. Một con mắt lớn là một con mắt tốt. Đường kính diafragm – aperture càng lớn, ảnh tạo thành càng sắc nét. Đó là kết quả cơ bản của hiện tượng nhiễu xạ qua lỗ tròn. Ống kính máy ảnh chắc chắn to hơn mắt người, giúp tạo nên những bức ảnh có độ phân giải vượt xa mắt người. Ngược lại, mắt sinh vật và con người cũng không cần quá lớn, bởi lớn quá thì dư thừa thông tin, không bộ não nào xử lý nổi.
Với vai trò như con mắt, kính thiên văn tốt phải là kính thiên văn lớn. Những ống kính có đường kính dài hàng mét cũng giống như những con mắt khổng lồ đang nhìn vào vũ trụ. Những kính lớn buộc phải chuyển sang loại gương parabol phản xạ nhằm tránh hiện tượng sắc sai, ai từng dùng vật kính bằng thuỷ tinh sẽ hiểu. Với kính thiên văn vô tuyến, bước sóng cực dài, cỡ mm trở lên, vật kính phải làm từ các chảo parabol khổng lồ.
Về thời gian tụ sáng, mắt người phải “chụp” liên tục khoảng 25 bức ảnh cho một giây, với mục đích quan sát chuyển động. Thành ra mỗi bức ảnh chỉ được tụ sáng trong 0,04 giây, rất ngắn. Đó cũng là khoảng thời gian thông thường khi chụp một bức ảnh thường, cửa sập nhanh chóng hất lên đập xuống, nghe cái “tách”. Với bầu trời đêm, ta cần chủ động kéo dài thời gian tụ sáng lên hàng chục hàng trăm lần. Mỗi bức ảnh có thể chụp bằng cách phơi sáng liên tục từ hàng chục giây đến hàng chục phút.
Với công nghệ chụp phim ngày trước, năng lượng sẽ hội tụ đủ lâu để tạo ra phản ứng hoá học cần thiết. Với công nghệ chụp ảnh số bây giờ, phần mềm cài sẵn trong máy ảnh cho phép kết hợp nhiều ảnh chụp cùng lúc để cho ra một ảnh chất lượng cao.
Kĩ thuật phơi sáng khiến nhiều ngôi sao không bao giờ thấy được bằng mắt thường có thể hiện lên màn ảnh và bầu trời đêm khó thể nào tuyệt hơn thế.
Tác giả: Trần Hải Cát
Nhìn chụp cảnh sao vào ban đem đẹp thật !!
Chụp phơi sáng đỉnh của chóp luôn